Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN

Chùa Hương Ấp - Nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa

2023-12-23 08:18:00.0

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 40 km về phía Đông Nam là quần thể Di tích lịch sử quốc gia đền Mục và chùa Hương Ấp thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên. Đây là khu di tích lưu niệm gắn với cuộc đời thân thế và sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc, Đức hoàng đế Lý Nam Đế.

Chùa Hương Ấp, ngôi chùa gắn liền với tuổi thơ của Đức hoàng đế Lý Nam Đế

Với những giá trị to lớn liên quan đến Đức hoàng đế Lý Nam Đế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Mục và chùa Hương Ấp là di tích quốc gia tại Quyết định số 4101/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/2014. Di tích chùa Hương Ấp và đền Mục cũng đã được đưa vào quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 9/5/2019.

Chùa Hương Ấp nằm ở tổ dân phố Định Thành, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chùa được Nhân dân xây dựng trên đỉnh một quả đồi rộng 5.130m2. Quả đồi này từ xa xưa có tên là Núi Chùa, tiếp giáp bốn phía xung quanh là đất bãi canh tác, đường liên xóm và khu dân cư bao bọc. Chùa nằm ở vị trí đắc địa có phong thủy đẹp, sơn thủy hữu tình, chính diện chùa hướng về phía Tây, nhìn thẳng ra ngòi Gạo, núi Khao Vương, cánh đồng Cháy. Nằm song song với núi Chùa trên có chùa Hương Ấp là núi Ấp. Dưới chân núi Chùa là giếng Chùa, rồi núi Sen. Sau lưng là khu dân cư bao bọc. Ban đầu ngôi chùa Hương Ấp được xây dựng bằng đá ong, quy mô kiến trúc không lớn. Thời Lê, ngôi chùa không còn lại dấu tích. Theo lời kể của các cụ trong làng truyền lại thì cách ngày nay đã 5 đời (khoảng trên 100 năm), chùa Hương Ấp bị đổ nát. Khi đó, trong làng có cụ Đờn vì không có con trai thừa tự, cụ đã công đức tài sản, ruộng đất cho chùa để xây dựng lại và xin một suất ‘‘hậu” thờ cúng cụ sau khi cụ qua đời. Từ đó, nhiều người trong làng gọi là chùa cụ Hậu Đờn, nhưng những người hiểu biết và các nhà chức sắc thì vẫn gọi là chùa Hương Ấp. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954) chùa nằm trong diện tiêu thổ phục vụ kháng chiến. Vào năm 1990, Nhân dân địa phương đã quyên góp kinh phí để xây dựng lại ngôi chùa trên nền cũ bằng đá ong. Ngôi chùa hiện nay có kiến trúc hình chữ đinh, kỹ thuật xây dựng đơn giản, hệ thống vì kèo, cột gỗ làm bằng loại gỗ bạch đàn, bào trơn đóng bén, bên ngoài có sơn màu cánh gián. Mái chùa lợp ngói vảy rồng. Đầu đốc tạo hình vỉ ruồi có 4 đầu đao cong vút. Nhà tiền đường chùa 3 gian, 2 dĩ dài 10,8m, rộng 4,97m, cao 2,35m. Hậu cung dài 5m, rộng 3,2m, cao 2,39m. Tổng diện tích sử dụng khoảng 70m2. Bài trí trong chùa, từ hậu cung, tính từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài có lớp tượng: Lớp 1 thờ 3 vị tam thế, lớp 2 đặt tượng Di Đà, Địa tạng, Ca Na Diếp, lớp 3 tượng Phật bà Quan Âm, tượng Văn Thù Bồ Tát, tượng Phổ Hiền Bồ Tát, tượng Quan Âm nhiều tay, tượng Vua cha Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và tượng Cửu Long.

Phía bên trái chùa có đền thờ Đức hoàng đế Lý Nam Đế. Ngôi đền nhỏ 3 gian, dài 8m rộng 5m, hậu cung dài 2,25m, rộng 2,1m. Trong đền có ban thờ, tượng Đức hoàng đế Lý Nam Đế và bát hương. Phía ngoài cửa có 2 câu đối ca ngợi công đức cũng như nói về quê hương xuất thế, khởi nghĩa giành độc lập của Đức hoàng đế Lý Nam Đế. Chùa Hương Ấp có giá trị lịch sử lưu niệm, là nơi ghi dấu sự kiện nơi Đức hoàng đế Lý Nam Đế tu hành thời thơ ấu và chính là quê cha mẹ của Người đã sinh ra Người tại xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (nay là phường Tiên Phong, thành phổ Phổ Yên). Giá trị lịch sử lưu niệm không chỉ được ghi nhận ở di tích chùa Hương Ấp, một ngôi chùa cổ kính được Nhân dân vùng Giang Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội) gọi với tên trân trọng là “chốn tổ” (quê hương gốc của Đức hoàng đế Lý Nam Đế) mà còn lưu giữ các địa danh gắn với các sự kiện sau khi dấy binh khởi nghĩa Lý Bí đã về Dã Năng chiêu mộ nghĩa quân. Sau khi Lý Bí lên ngôi vua, có dịp Người đã trở về quê hương châu Dã Năng đã khao quân, nơi ấy gọi là đồi Khao Vương, những địa điểm di tích ghi nhận sự kiện lịch sử về một danh nhân lịch sử lớn của dân tộc còn được ghi nhớ mãi trong tâm thức Nhân dân.

Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thực hiện nghi thức động thổ khởi công Dự án tu bổ chùa Hương Ấp (ngày 02/11/2023)

Ngôi chùa Hương Ấp còn có giá trị về văn hóa. Là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng từ ngàn đời nay của Nhân dân trong vùng. Nằm ở vùng trung du bán sơn địa, chùa Hương Ấp nằm trong một làng cổ, xưa đã từng là đất thang mộc, đất “địa linh, sinh nhân kiệt”. Chùa Hương Ấp là một trong những ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử ghi dấu lưu niệm nơi Đức hoàng đế Lý Nam Đế đã theo Pháp tổ Thiền sư tu ở ngôi chùa này.

Chùa Hương Ấp hiện còn bảo tồn, lưu giữ được 24 hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 200 năm như bia đá, tượng Phật, bình vôi… Ngoài số hiện vật thuộc di tích chùa Hương Ấp, tại Nhà tổ của chùa còn trưng bày 26 di vật cổ do Nhân dân sưu tầm được tại khu vực làng Cổ Pháp như: 15 rìu đá có kích thước dài từ 12 - 15 cm, rộng 10cm, thuộc thời đại đồ đá cách ngày nay từ 30.000 năm đến 10.000 năm; 2 rìu đồng (1 rìu lưỡi xéo, 1 rùi lưỡi mai) kích thước dài 23cm, rộng 10cm thuộc thời đại đồ đồng cách ngày nay từ 2.000 - 2.500 năm và 5 đĩa sứ tráng men (men dạn và vẽ lam), 2 bình vôi cổ, 1 bát hương cổ men da lươn và 1 nồi đồng nhỏ thuộc thời kỳ phong kiến (thế kỷ XV - XIX).

Chùa Hương Ấp là một trong ba di tích lịch sử thuộc Khu di tích Lý Nam Đế, bao gồm: Đền Mục, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng. Toàn bộ khu chùa Hương Ấp từ trên đồi cao nhìn về phía Tây, trước mặt là khu đồng rộng, tương truyền là nơi xưa kia Lý Bí đã bí mật tập luyện quân sĩ tại đây (nên được gọi là đồng Tráng) trước khi cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Lương (thế kỷ VI). Phía bên phải cách khu vực chùa Hương Ấp khoảng 500m là ngọn núi nhỏ gọi là núi Khao Vương, tương truyền rằng địa điểm liên quan đến hoạt động đương thời của Đức hoàng đế Lý Nam Đế ở vùng châu Giã Năng xưa (chiêu mộ nghĩa quân). Chùa Hương Ấp còn là nơi hằng năm diễn ra lễ hội truyền thống, thể hiện tự do tín ngưỡng của người dân, thu hút du khách tới tham quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Phối cảnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lý Nam Đế, phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên

Trải qua thăng trầm của thời gian, Di tích chùa Hương Ấp đã bị xuống cấp, cần phải được tu bổ, tôn tạo để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử liên quan đến quê hương, cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Đức Hoàng đế Lý Nam Đế đối với dân tộc Việt Nam. Dự án tu bổ di tích chùa Hương Ấp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2023. Ngày 02/11 vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên và thành phố Phổ Yên tổ chức Lễ khởi công Dự án tu bổ chùa Hương Ấp. Dự án gồm các hạng mục chính như: Nhà bảo quản, Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông - lầu trống, đền thờ Vua Lý Nam Đế… Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 đến năm 2025. Đây cũng chính là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với Đức vua Lý Nam Đế. Sau khi hoàn thành, chùa Hương Ấp sẽ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, uy nghiêm, tạo nên không gian thờ tự tôn nghiêm, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phát huy các giá trị nhân văn, trở thành điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các địa điểm tham quan, du lịch tâm linh hấp dẫn của thành phố Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1966222