Mái đá Ngườm - Tiếng vọng từ ngàn xưa
2024-07-03 11:17:00.0
Các đại biểu nghe báo cáo kết quả tại hố khai quật lần thứ 5 của Di chỉ khảo cổ mái đá Ngườm
Di chỉ nằm trong thung lũng Thần Sa, nơi hợp lưu của các sông suối nhỏ. Từ đây nước chảy qua trước mặt Di chỉ Phiêng Tung, Ngườm, Thắm Choong, Hạ Sơn và cuối cùng nhập vào dòng chảy của sông Cầu. Nằm trong sơn khối đá vôi giàu sản vật thiên nhiên, nguồn nước dồi dào, nguyên liệu cuội phong phú, lại ở một nơi có địa hình cao ráo, thoáng mát, rộng rãi, mái đá Ngườm thực sự là một nơi cư trú thiên tạo vô cùng lý tưởng cho người nguyên thủy. Đến nay, mái đá Ngườm đã được tiến hành khai quật 5 lần, vào các năm (1981, 1982, 1985, 2017) và lần gần đây nhất là vào đầu năm 2024 do Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên thực hiện.
Từ những năm 1980, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của người Việt cổ tại khu vực mái đá Ngườm. Ngay trong lần khai quật đầu tiên năm 1981 đã cho thấy đây là Di chỉ mang yếu tố xưởng chế tác công cụ, có ý nghĩa to lớn chẳng những đối với nghiên cứu tiền sử Việt Nam mà còn cả tầm khu vực và thế giới, có thể thiết lập nên một nền văn hóa khảo cổ học là “Văn hóa Thần Sa”. Đầu năm 2011, các nhà khoa học đã tìm được một chiếc răng voi hóa thạch niên đại khoảng từ 30.000 - 50.000 năm, được cho là răng voi châu Á tại khu vực sông Thần Sa. Các nhà khảo cổ cho rằng, loài voi này sống cùng thời với bầy người nguyên thủy, chủ nhân của văn hóa Ngườm nổi tiếng.
Hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật tại Di chỉ mái đá Ngườm
Trong lần khai quật thứ 5 mới đây, các nhà khoa học phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn khác biệt so với trước. Đồng thời, phát hiện các công cụ mảnh, công cụ hạch, hạch cuội nguyên liệu, mảnh tước, cùng di cốt động vật, hạt quả và một số lượng khiêm tốn các loài nhuyễn thể trên cạn và dưới nước. Đặc biệt, khai quật còn phát hiện xương động vật cháy. Sự tồn tại của các hạch đá được chuẩn bị diện ghè chỉn chu lần đầu tiên phát hiện tại Ngườm cho thấy đây là di tích đầu tiên thuộc thời đại Đá cũ ở nước ta ghi nhận các phương pháp và kỹ thuật chế tác đá đặc sắc như vậy. Phát hiện này cung cấp những nhận thức mới, quan trọng đối với nghiên cứu quá trình tiến hóa của các phương pháp và kỹ thuật chế tác đá trong thời đại Đá cũ ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Cho đến nay, đây cũng là địa điểm mái đá, hang động duy nhất phát hiện các bằng chứng về quá trình cư trú, chế tác và sử dụng các công cụ đá có niên đại sớm nhất ở nước ta.
Các kết quả nghiên cứu từ trước và các cuộc khai quật gần đây nhất cho thấy, khu vực huyện Võ Nhai có mật độ phân bố di tích khảo cổ học tiền sử khá cao. Tại Thần Sa, bên cạnh mái đá Ngườm còn có nhiều di chỉ khảo cổ học khác có sự tương đồng về phương pháp và kỹ thuật chế tác đá giống Ngườm và Phiêng Tung, tiêu biểu như hang Nà Khù, Mái đá Hạ Sơn I, Hạ Sơn II và hang Kim Sơn. Ngoài ra, tại Thần Sa cũng có nhiều hang động có cảnh quan độc đáo, hoàn toàn có thể kết hợp để phát triển du lịch văn hóa - sinh thái một cách bền vững.
Tại Hội nghị báo cáo kết quả sơ bộ công tác khai quật khảo cổ Di chỉ mái đá Ngườm diễn ra tại UBND tỉnh Thái Nguyên cuối tháng 4/2024, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đánh giá cao giá trị của Di chỉ và những hiện vật đã thu thập được trong quá trình khai quật. Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học Việt Nam, đại diện cho nhóm nghiên cứu, khai quật Di chỉ đánh giá: Những kết quả thu thập được qua lần khai quật thứ 5 này đã mang lại những nhận thức mới, giúp xác định niên đại cư trú của loài người có thể sớm hơn so với niên đại đã xác định rất nhiều. Đề nghị tỉnh Thái Nguyên xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt đối với Di chỉ mái đá Ngườm và công nhận bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thu thập được.
Các nhà khoa học chia sẻ thông tin với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về giá trị của các hiện vật thu thập được từ Di chỉ mái đá Ngườm
Đánh giá cao kết quả của nhóm chuyên gia khai quật khảo cổ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề nghị Viện Khảo cổ học và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, giúp đỡ tỉnh Thái Nguyên xây dựng phương án bảo quản Di chỉ khảo cổ mái đá Ngườm không bị xuống cấp bởi các tác động của yếu tố ngoại cảnh; hỗ trợ lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của di chỉ rộng rãi trên cả nước và ra thế giới. Đồng chí cũng giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Võ Nhai làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đang kết nối với Viện khảo cổ học và các nhà khoa học Trung ương hỗ trợ tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác khai quật khảo cổ tại Di chỉ; gửi mẫu vật thu thập được sang các nước phát triển có phòng thí nghiệm hiện đại để phân tích, xác định tuổi của mẫu trầm tích; đồng thời mời các chuyên gia có kinh nghiệm cùng nghiên cứu, góp phần khẳng định giá trị của Di chỉ khảo cổ mái đá Ngườm. Sở cũng giao Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức hội thảo, củng cố tài liệu, lựa chọn các hiện vật có giá trị tiêu biểu để lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Có thể thấy, mái đá Ngườm là một địa điểm không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà những giá trị của nó còn mang tầm khu vực và châu lục. Do vậy, việc bảo vệ phát huy giá trị của di tích là việc làm cần thiết. Như tiếng từ ngàn xưa vọng về, những hiện vật thu được qua những lần khai quật đã khiến cho không chỉ các nhà nghiên cứu khảo cổ có uy tín xúc động, đó còn là lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đối với hậu thế hãy trân trọng, giữ gìn và phát huy một cách xứng đáng những giá trị của lịch sử, tạo nên một điểm nhấn du lịch, văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thainguyen.gov.vn