Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 11/4 đến ngày 17/4/2022

2022-04-17 18:46:00.0

1. Ngày 16/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1510/UBND-TH về việc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2022.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ; Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 09/4/2022 của Văn phòng Chính phủ và Kết luận số 415-KL/TU ngày 29/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; chủ động triển khai, tham mưu hoàn thiện các nội dung chương trình, đề án, dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ và theo đúng quy định; tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022; chỉ đạo tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thẩm định các văn bản, nhất là văn bản trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các khu dân cư, khu đô thị; hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản; rà soát các dự án đầu tư khác trên địa bàn để bảo đảm các dự án thực hiện đúng quy định, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện một cách thực chất, có hiệu quả các nhiệm vụ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành nông nghiệp, công nghiệp, đẩy mạnh tốc độ phục hồi du lịch, dịch vụ; sử dụng có hiệu quả nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; phấn đấu năm 2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức các kỳ thi năm 2022 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, đúng quy định; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm vắc- xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin, hoàn thành trong quý II năm 2022; tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022, diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Phổ Yên năm 2022 bảo đảm tiến độ và chất lượng…

2. Ngày 12/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1435/UBND-CNN&XD tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tại Công văn, UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng. Chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 01/2022 đạt hiệu quả; xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí mua vắc xin, hóa chất, vật tư để triển khai kịp thời có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chi cục thuộc Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn, nhân viên thú y... tăng cường giám sát, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi để phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời không để lây lan... cung cấp đầy đủ vắc xin, hóa chất theo quy định cho các huyện, thành phố, thị xã triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun khử trùng, tiêu độc đạt hiệu quả.

Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thú y tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Ngày 14/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1486/UBND-KGVX về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra về sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.

Theo Công văn trên, Chủ tịch UBND tỉnh giao: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là việc tuân thủ quy định về sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và việc đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được cấp. Đồng thời, làm tốt công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các hành vi vi phạm; công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp vi phạm để cảnh báo cho cộng đồng. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý.

4. Ngày 14/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1475/UBND-TTPVHCC về việc đôn đốc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể tại Văn bản số 751/UBND-TTPVHCC ngày 03/3/2022; chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu chi tiết tài liệu hướng dẫn ban hành kèm theo Văn bản số 751 để đảm bảo thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo lộ trình; khẩn trương rà soát, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị, địa phương tham gia vào quá trình giải quyết TTHC chưa được cấp chữ ký số cá nhân chuyên dùng Chính phủ để đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cấp chữ ký số theo quy định, thời gian hoàn thành trong tháng 4/2022.

Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện ngay quy trình, thủ tục cấp chữ ký số cá nhân chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở danh sách đề nghị của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; rà soát, hoàn thành việc hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình số hóa kết quả giải quyết TTHC vào cơ sở dữ liệu dùng chung về kết quả giải quyết TTHC của tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định để đảm bảo lộ trình thực hiện theo quy định của Chính phủ.

5. Ngày 13/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND triển khai các biện pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong điều kiện bình thường mới.

Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trong năm 2022 đón 1.300.000 lượt khách, trong đó tập trung vào thị trường khách nội tỉnh, khách nội địa, tạo tiền đề cho việc phục hồi, kết nối thị trường và thu hút khách du lịch cho những năm tiếp theo. Đối với khách quốc tế chuẩn bị các phương án tổ chức đón khách quốc tế theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

Để thực hiện mục tiêu này, các nội dung được tỉnh tập trung triển khai là: Tổ chức phương án đón khách du lịch trong giai đoạn bình thường mới và các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương, các trang báo điện tử, website du lịch, Cổng Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên và các ứng dụng nền tảng mạng xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện nhằm kích cầu du lịch; các hoạt động, sự kiện nhân các ngày lễ lớn, hoạt động văn hóa, thể thao gắn với quảng bá, thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên như: Tổ chức vòng Chung khảo Cuộc thi Hoa hậu thế giới - Việt Nam 2022; tham gia Hội chợ Du lịch VITM HaNoi 2022; Tuần văn hóa du lịch Việt Bắc tại Hà Nội năm 2022; các hoạt động trong Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên với những địa phương đã ký kết, chú trọng các thị trường du lịch trọng điểm (như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh…); phát động Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Thái Nguyên; đăng cai tổ chức Triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Việt Bắc - Tây Bắc); Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022; tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ tư, năm 2022...

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các khu, điểm du lịch tổ chức chỉnh trang lại cảnh quan, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để sẵn sàng đón khách; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện các chương trình khuyến mại với các gói kích cầu du lịch như: Giữ giá sản phẩm nhưng tăng thêm dịch vụ cho khách du lịch và đảm bảo chất lượng; giảm giá sản phẩm, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các điểm tham quan du lịch từ 10 - 40% so với giá công bố; chính sách ưu đãi đối với khách du lịch tại tỉnh…

6. Ngày 12/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1440/UBND-NC triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy.

Tại Công văn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thi hành, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu Luật Phòng, chống ma túy đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy theo quy định của pháp luật. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản có liên quan cho các lực lượng, cơ quan trực tiếp thi hành Luật, bao gồm: Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã.

7. Ngày 13/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND triển khai công tác trẻ em năm 2022 triển khai công tác trẻ em năm 2022.

Kế hoạch đề ra 11 nội dung thực hiện về công tác trẻ em trong năm 2022, gồm: Tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm để thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/12/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trong trường học, phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em...; đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng; bố trí nhân lực để củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo đảm hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; phát triển mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả“Ngày lao động vì hạnh phúc trẻ em”, ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp; tổ chức các hoạt động cho trẻ em nhân dịp tết Trung thu năm 2022; bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, mô hình về công tác trẻ em; triển khai kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em; thực hiện đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo quy định; triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo theo Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Kim Oanh (Tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1951920